Tín ngưỡng - tập tục Văn hóa Đông Sơn

Thạp đồng có hình trai gái giao hoan.Cây đa bên cổng làng của người Việt.Trầucau

Tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống, nên đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực. Ở Việt Nam, tín ngưỡng đó tồn tại lâu dài, dưới hai dạng biểu hiện: thờ sinh thực khí nam và nữ và thờ cả hành vi giao phối.

Người Việt tôn sùng cây cối, các loại cây lương thực chính. Các sản phẩm làm từ gạo nếp, gạo tẻ đã có lịch sử hàng nghìn năm và còn lưu truyền đến ngày nay. Các loại bánh trái đặc trưng của người Việt đã đi vào huyền thoại bằng văn hóa truyền khẩu[4].

Trong tín ngưỡng người Việt, việc sùng bái con người, phổ biến nhất là tục thờ cúng tổ tiên, gần như trở thành một thứ tôn giáo của người Việt, mà ngày nay vẫn còn như một thứ tín ngưỡng từ Bắc vào Nam.

Tập tục ăn trầu cũng là đặc trưng chính của người Việt cổ, được thể hiện qua câu chuyện cổ Sự tích trầu cau.

Người Việt cổ biết dùng hóa chất và các loại nhựa, sơn cây dùng để nhuộm răng đen, mà mãi đến giữa thế kỷ 20 cũng vẫn còn khá phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam[5].

Mộ thuyền Châu Can cùng di vật - được tìm thấy ở Hà Tây năm 1977.

Ở đây ta cũng nhắc đến vài nét chính của nghệ thuật chôn cất người chết mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hầu như rải rác trên toàn bộ Bắc Bộ kéo dài đến miền Trung Việt Nam - Mộ thuyền là một cách chôn cất khá độc đáo của người Việt cổ thuộc văn hóa Đông Sơn.

Năm 2004 các nhà khảo cổ học tìm thấy thêm một ngôi mộ bên triền sông Cửu An, thuộc thôn Động Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đây không chỉ là ngôi mộ có quan tài hình thuyền như những phát hiện trước đó, mà thực sự là một con thuyền độc mộc chở người Đông Sơn vào giấc vĩnh hằng từ 2.500 năm trước. Khi nắp quan tài bật mở, người ta thấy tất cả bùn đất tích tụ từ thiên niên kỷ I TCN phủ kín hiện vật. Khi lớp bùn được gạt ra, nhóm khai quật nhìn thấy người chết đặt nằm ngửa, thân bó vải, hai tay để xuôi, chân duỗi thẳng. Ngoài ra, còn có một số hiện vật đi kèm là đồ gốm, hạt thực vật.

So với các mộ thuyền Đông Sơn được phát hiện từ những năm 1960, 1970 tại Châu Can Hà Tây, Việt Khê Hải Phòng, La Đôi Hải Dương..., đây là mộ duy nhất còn nguyên vẹn xương cốt với quần áo hoàn chỉnh. Phát hiện này khiến các chuyên gia Viện Khảo cổ và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á vô cùng phấn khởi. Bởi tìm hiểu về nguồn gốc cư dân thì cốt sọ giữ vai trò quan trọng nhất, giúp các nhà khảo cổ làm sáng tỏ những người đã sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn.